Tin Tức

KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Khởi kiện vụ án hành chính

Vụ án hành chính là vụ việc tranh chấp liên quan đến hành vi hành chính; quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Quyết định hoặc hành vi hành chính này xâm phạm (hoặc được cho là xâm phạm) hoặc có liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện. Đây là căn cứ để khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.

Người có quyền khởi kiện vụ án hành chính

Điều 5 của Luật tố tụng hành chính quy định như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính, nếu quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm do hành vi hành chính hay quyết định hành chính của một cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước gây ra thì đều có thể khởi kiện vụ án hành chính. Ở đây, chúng ta cần hiểu giữa việc thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính sẽ không đồng nghĩa là hành vi hay quyết định đó đương nhiên sai.

Thẩm quyền giải quyết vụ kiện hành chính theo quy định của pháp luật

Nhắc đến vụ án hành chính hay khởi kiện hành chính thì việc giải quyết sẽ đương nhiên phải được Tòa án có thẩm quyền thực hiện. Trong vụ án hành chính, thẩm quyền sẽ có sự khác biệt riêng do tính chất đặc thù của đổi tượng bị khởi kiện và những người liên quan.

Thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết vụ án hành chính được quy định tại Điều 31 của Luật tố tụng Hành chính:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;
3. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.

Và Điều 32 của Luật tố tụng Hành chính quy định về thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;
4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
5. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;
6. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
7. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
8. Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật này”.

Căn cứ quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính, Tòa án sẽ có sự phân cấp rõ ràng cho từng vụ án. Khác với những vụ án hay vụ kiện trong các lĩnh vực dân sự, đối tượng Bị khởi kiện trong vụ án hành chính là những người có quyền lực hoặc cơ quan công quyền.

Thời hiện để khởi kiện vụ án hành chính

Khi phát hiện hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của mình. Cá nhân, cơ quan, tổ chức cần nộp đơn khởi kiện kịp thời theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định tại Điều 116 của Luật tố tụng Hành chính như sau:
“1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
b) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
3. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:
a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
4. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
5. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính”.

Người khởi kiện trong vụ án hành chính cần hết sức lưu ý thời hiệu khởi kiện trong trường hợp có khiến nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính. Nếu đã nộp đơn khiếu nại trước đó và có quyết định giải quyết khiếu nại, thì cần kiểm tra thời gian mình nhận được quyết định giải quyết khiếu nại.

Xét xử vụ án hành chính có thể không có mặt kiểm sát viên

Kiểm sát viên là đại diện của cơ quan kiểm sát trong việc tham gia phiên tòa xét xử. Chức năng, nhiệm vụ của kiểm sát viên là kiểm sát (giám sát) việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phiên tòa xét xử vụ án hành chính sẽ vẫn được tiến hành khi không có mặt của kiểm sát viên. Căn cứ để xét xử vụ án vắng mặt kiểm sát viên được quy định tại Khoản 1- Điều 156 của Luật tố tụng Hành chính: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử”.

Quy định pháp luật liên quan và những vấn đề thực tế có thể gặp phải trong quá trình giải quyết vụ án hành chính là rất nhiều, mỗi vụ kiện hành chính lại có những đặc điểm, tính chất khác nhau. Quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh từ nhiều lĩnh vực, như đất đai; kinh tế; thuế; lao động; hôn nhân gia đình; xây dựng .v.v. nếu những lĩnh vực đó có liên quan đến quyết định hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.

Để hiểu hơn về khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp phát sinh tranh chấp hoặc có liên quan đến các quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước; hành vi của cơ quan nhà nước. Hãy liên hệ với luật sư của Công ty Luật TNHH Dương Khôi Minh theo số điện thoại Hotline: 0906.238.583 – 0904.680.383.

Rate this post